Islam, một tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới với hơn 2 tỉ tín đồ, có mặt trên 112 quốc gia, vùng lãnh thổ – là một tôn giáo mà học thuyết của nó xác định chi tiết các quy tắc tiêu dùng. Khái niệm “Halal” và “Haram” là tiêu chuẩn trong lĩnh vực thực phẩm mà những người theo tôn giáo Islam tuyệt đối tuân thủ. Thực phẩm Halal & Haram đối với người Muslim không chỉ là lối sống lành mạnh, khoa học và văn minh mà còn là sự thể hiện đức tin và ngoan đạo trong tôn giáo của mình. Vì vậy, việc xác minh thực phẩm Halal & Haram vô cùng quan trọng đối với người Muslim.
I. Khái niệm thực phẩm Halal & Haram
1. Thực phẩm Halal: Là thức ăn, đồ uống được giáo luật Islam cho phép dùng (không cấm dùng).
2. Thực phẩm Haram: Là thức ăn, đồ uống mà giáo luật Islam cấm dùng (không cho phép dùng).
II. Một số qui định chung cơ bản về thực phẩm Halal & Haram
1. Thực phẩm, đồ uống độc hại (tức thời hoặc về sau) là Haram.
2. Thực phẩm, đồ uống không độc hại là Halal.
3. Thực phẩm, đồ uống có cả lợi và hại:
+ Lợi nhiều hơn hại: Halal.
+ Lợi hại bằng nhau hoặc lợi ít hơn hại: Haram
4. Thực phẩm, đồ uống gây say là Haram
5. Tất cả các loài thú săn mồi có răng nanh là Haram, trừ loài linh cẩu.
6. Tất cả các loài chim săn mồi có móng vuốt là Haram.
7. Tất cả các loài động vật ăn những thứ Najis là Haram; (Najis là một thuật ngữ để chỉ những thứ dơ bẩn và ô uế được qui định trong Islam)
8. Tất cả những loài động vật mà giáo luật cấm giết hại chúng là Haram.
9. Tất cả những loài động vật mà giáo luật bảo giết chúng là Haram.
10. Tất cả những gì không nằm trong 9 qui định nêu trên đều là Halal.
III. Danh sách cụ thể những thứ Haram
1. Xác chết, có nghĩa là những con vật chết do bệnh tật hoặc do thú khác tấn công hoặc không được giết mổ theo cách của Islam hoặc những bộ phận được cắt lìa ra từ con vật sống.
2. Máu (tiết), là máu chảy ra ngoài khỏi cơ thể con vật.
3. Heo (lợn), bao gồm cả lợn (heo) rừng.
4. Cọp, beo, mèo, gấu, chó, khỉ và các loài thú dữ có nanh nói chung (trừ linh cẩu).
5. Đại bàng, diều hâu, ưng, ó, cú mèo và các loài chim săn mồi có móng vuốt nói chung.
6. Quạ, bò cạp, rắn, chuột, thằn lằn và các loài mà Islam bảo giết.
7. Kiến, ong, chim đầu rìu, chim bách thanh, ếch nhái (cóc) cũng như các loài mà Islam cấm giết.
8. Kền kền cũng như các loại chim hoặc thú ăn những thứ Najis (kể cả các loài vật nuôi như lạc đà, bò, dê cừu, gà vịt v.v. Tuy nhiên các loài vật nuôi khi đã ăn những thứ Najis có thể dùng được bằng cách bắt nhốt chúng lại cho chúng tiêu hóa hết những gì trong dạ dày của chúng rồi cho chúng ăn những thức ăn sạch trở lại).
9. Động vật được coi là bẩn và gớm ghiếc như chấy, ruồi, giòi và các động vật tương tự khác.
10. Lừa
11. Phân, nước tiểu của người và các loại động vật bị cấm ăn.
12. Chất gây nghiện, thực vật chứa các độc tố.
13. Rượu và đồ uống có cồn như bia và các đồ uống tương tự.
14. Tất cả các loại thức ăn, đồ uống gây say.
15. Tất cả những gì độc hại.
IV. Thực phẩm Halal
Tất cả thực phẩm được phép tiêu thụ trong Islam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thực phẩm không phải là chất cấu thành cũng như không chứa các chất Haram.
- Thực phẩm được sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu kho phải đảm bảo không sử dụng công cụ hoặc thiết bị không phù hợp với quy định kỹ thuật của thông tư này.
- Thực phẩm không được tiếp xúc trực tiếp với các loại thực phẩm không đáp ứng hai điều kiện nêu trên.
V. Chế biến thực phẩm Halal
1. Những yêu cầu về chế biến thực phẩm Halal
- Sản phẩm, thành phần, phụ liệu và gia vị không là những thứ Haram hoặc không rõ nguồn gốc.
- Thực phẩm được chuẩn bị, sản xuất, chế biến phải đảm bảo dùng nhà xưởng, các thiết bị, dụng cụ đã được loại bỏ lây nhiễm từ các chất Haram.
- Quá trình chuẩn bị, chế biến, đóng gói, lưu kho và vận chuyển, phải đảm bảo tách rời với các loại thực phẩm khác không đáp ứng đúng yêu cầu quy định kỹ thuật trong thông tư này cũng như mọi thực phẩm được xem là Haram.
2. Thiết bị và dụng cụ sản xuất, chế biến
- Các thiết bị, dụng cụ chế biến sản xuất thực phẩm Halal phải đảm bảo không là các thiết bị, dụng cụ chế biến sản xuất thực phẩm hay những thứ Haram.
- Dầu nhờn dùng để bảo dưỡng máy móc và phụ tùng có tiếp xúc với thực phẩm phải đảm bảo không chứa các chất Haram.
3. Điều kiện chế biến thực phẩm Halal
- Thực phẩm Halal có thể được sản xuất, chế biến hay lưu kho trong một khu vực hoặc một dây chuyền sản xuất của cùng một cơ sở sản xuất thực phẩm không Halal, miễn sao đảm bảo ngăn cách thực phẩm Halal và thực phẩm không Halal.
- Nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ đã dùng để sản xuất, chế biến, vận chuyển hoặc lưu kho thực phẩm không Halal có thể được sử dụng nếu như đã tẩy rửa đúng cách.
4. Yêu cầu về vệ sinh:
- Thực phẩm Halal phải sạch, an toàn và không gây hại (tức thời hoặc về sau) cho người tiêu dùng; phù hợp với tiêu chuẩn và pháp luật hiện hành về vệ sinh thực phẩm (động vật hay thực vật).
- Thực phẩm Halal phải tuân thủ tiêu chuẩn và luật pháp về chất lượng và an toàn, nhất là khâu vệ sinh và hệ thống làm lạnh cũng như các điều kiện bảo quản, đóng gói và vận chuyển.
- Thực phẩm Halal phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật hiện hành về vi sinh.
5. Yêu cầu về thương mại:
- Bao bì phải đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đúng với qui định của luật pháp hiện hành. Trên bao bì phải thể hiện rõ các thành phần của sản phẩm.
- Nhãn mác: Ngoài các quy định của luật hiện hành về thông tin cho người tiêu dùng, logo Halal chỉ được sử dụng đối với thực phẩm đáp ứng các quy định về kỹ thuật ghi trong thông tư này.
- Logo Halal không được dùng để gây nghi ngờ về độ an toàn hoặc cố ý làm cho người tiêu dùng hiểu rằng thực phẩm Halal có chất dinh dưỡng cao hơn hay tốt hơn cho sức khỏe so với các loại thực phẩm khác.
VI. Cắt tiết (Zdabh)
Việc cắt tiết động vật được phép tiêu thụ trong Islam phải tuân thủ các thủ tục và điều kiện quy định của giáo luật Islam.
1. Việc cắt tiết chỉ áp dụng đối với những động vật trên cạn, riêng các loài thủy, hải sản thì không cần thủ tục này.
2. Người cắt tiết
Người cắt tiết phải là người Muslim (tín đồ Islam), trưởng thành, tỉnh táo và hiểu biết các quy tắc và điều kiện cơ bản về giết mổ động vật theo quy định Islam.
3. Thiết bị, dụng cụ cắt tiết
- Thiết bị, dụng cụ cắt tiết phải được rửa sạch và mài sắc.
- Để dễ dàng cắt tiết theo qui định của Islam, có thể gây choáng với điều kiện không làm chết con vật.
4. Nơi cắt tiết
Vị trí, dây chuyền và quy trình cắt tiết phải được thiết kế phù hợp với yêu cầu Halal quy định trong thông tư này và phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định hiện hành.
5. Quy trình cắt tiết
a. Cắt tiết bằng tay:
- Người thực hiện việc cắt tiết phải nói Bismillah (nhân danh Allah).
- Cắt tiết là cắt ở phần cổ họng của con vật, đảm bảo phải làm đứt khí quản và tĩnh mạch cổ, để máu chảy ra ngoài tự nhiên và hoàn toàn.
b. Cắt tiết bằng máy: Việc cắt tiết bằng máy có thể thực hiện theo các điều kiện sau:
- Người điều khiển máy nói Bismillah trước khi vận hành máy.
- Khi xong một lượt hoặc đã dừng máy, người điều khiển lại phải nói Bismillah trước khi vận hành máy.
VĂN PHÒNG CHỨNG NHẬN HALAL MEDINA UZK