Những người theo tôn giáo Islam không ăn thịt heo không phải vì loài heo là một dạng linh vật được tôn vinh hay được sùng bái trong tôn giáo mà đơn giản heo là một trong những loài động vật bị cấm trong giáo luật Islam.
Nếu bạn tìm hiểu nguồn thực phẩm cũng như cách ăn uống của người Muslim thì bạn sẽ thấy rằng ngoài heo ra thì còn rất nhiều loài động vật cũng như nhiều thứ khác mà họ không được phép ăn chẳng hạn như xác động vật chết, huyết (tiết canh), các loại thú ăn thịt như chó, mèo, cọp, beo, gấu, v.v.
Tại sao người Muslim không ăn thịt Heo?
Các tín đồ Islam không ăn thịt heo là nhằm phục tùng và tuân thủ mệnh lệnh của Allah, Thượng Đế Tối Cao. Bởi lẽ, tôn giáo Islam không đơn thuần chỉ ở đức tin và thờ phụng cúng bái mà là một phạm trù rộng lớn bao quát cả mọi mặt của đời sống con người. Nói theo cách diễn đạt khác thì Islam là một lối sống mang nề nếp, phép tắc, chuẩn mực mà người tín đồ phải tuân thủ. Cho nên, việc các tín đồ Islam không ăn thịt heo chỉ là để chấp hành giới cấm của Allah, Đấng Tối Thượng chứ không phải vì một lý do nào khác.
Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu xem việc giáo luật Islam cấm ăn thịt heo có mang ý nghĩa và giá trị gì hay không thì câu trả lời là đương nhiên.
Trong Thiên Kinh Qur’an, nguồn luật nền tảng hàng đầu của tôn giáo Islam đã nói rõ ràng về việc cấm ăn thịt heo: {Ngươi (hỡi Thiên Sứ) hãy nói: “Ta không thấy trong những điều được mặc khải cho Ta có khoản nào cấm (tín đồ Muslim) ăn ngoại trừ động vật chết; hoặc máu tuôn ra (khỏi cơ thể con vật); hoặc thịt heo (lợn) vì nó là loài vật ô uế, không sạch...} (Chương 6, câu 145)
Câu Kinh đã cho biết lý do của việc cấm ăn thịt heo là bởi vì heo là loài ô uế, không sách tức là thịt của nó bẩn.
Các tín đồ Islam – những người Muslim, tuyệt đối tin lời của Qur’an là chân lý bất chấp không gian và thời gian. Đối với họ, Qur’an không phải là lời nói của người phàm mà là lời nói của Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa vũ trụ và vạn vật, Ngài là Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Tri.
Giảng giải ý nghĩa của sự “ô uế, không sạch” mà câu Kinh nói về loài heo, một số học giả Tafseer (giảng giải nội dung ý nghĩa của Thiên Kinh Qur’an) nói rằng ô uế, không sạch ở đây ý nói mang mầm bệnh tức thịt heo mang nhiều mầm bệnh, nó có nguy cơ gây bệnh cho người ăn. Có nghĩa là thịt heo là một loại thực phẩm bẩn và thuật ngữ “thực phẩm bẩn” là dùng để má chỉ loại thực phẩm chứa mầm bệnh, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Và trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng loài heo mang những mầm bệnh dễ lây qua người, và các mầm bệnh tiêu biểu đó là bệnh viêm màng não mủ và nhiểm trùng huyết, bệnh heo tai xanh dễ kết hợp với các bệnh khác và gây nguy hiểm đến tính mạng, bệnh lở mồm long móng, bệnh giun xoắn, bệnh liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng sán lợn (bệnh gạo lợn), v.v.
Theo TS Đặng thị Cẩm Thạch, trưởng phòng Ký sinh trùng -Viện Sốt Rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết có tới 60 triệu người VN bị nhiễm các loại giun sán, tính trung bình cứ 10 người thì có 7-8 người đã bị nhiễm. Từ năm 2000 đến 2004, Phòng ký sinh trùng của TS Thạch đã nhận trên 700 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán heo, trong đó 84% có tổn thương ở não với các triệu chứng: động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ … và đã có trường hợp tử vong (theo VietNamnet ngày 26/9/2006).
Ký sinh trùng
Theo bản tin AGROJOB.NEWS, ngày 18/06/2007 cho biết: Văn phòng Vệ Sinh Kiểm Thực xác nhận rằng Ban Lãnh Đạo Kiểm Soát Thực Phẩm và Bảo Vệ Sức Khỏe của Pháp đã nhận được thông báo truy tìm ấu trùng Trichine (giun xoắn) trong lô hàng 400 con heo xuất xứ từ 5 trại chăn nuôi ở vùng Finistère, chúng đã được hạ thịt vào ngày 8/01/2007. Một phần hàng bán vào ngày 9/02/07, đã được thu hồi, số còn lại hiện đang được Cơ quan thú y giữ lại tại lò giết mổ.
Cũng dựa theo các tài liệu y học thì trong cơ thể loài heo chỉ có 2% acid urique được đào thải, số còn lại vẫn giữ nguyên trong máu của chúng và đây là nguyên nhân của bệnh phong thấp (rhumatisme), một căn bệnh khá phổ biến, khó trị liệu đối với hạng tuổi trung niên.
Bác Sĩ E.A.Widmer đã nói trong quyển "Porc, man and disease" của ông như sau: "Thịt heo, quả thật là một trong những thực phẩm phổ biến, nhưng lại rất tai hại. Chúa đã nghiêm cấm người Do thái ăn thịt heo không phải chỉ đơn giản xác định quyền lực của Ngài mà vì nó là thức ăn không tinh khiết".
Việc cấm ăn thịt heo được nói một cách cụ thể trong Qur’an như vậy mặc dù loài heo đã không được biết đến đối với cư dân Ả Rập trong thời điểm Qur’an được ban xuống. Một số người ngạc nhiên bởi lệnh cấm này và đã chỉ trích nhưng lại không biết rằng đây không phải là điều luật đối với riêng các tín đồ Islam mà nó cũng là điều luật cho cả người Do Thái. Và các văn bản giáo lý về điều luật này đã được nói đến trong Kinh Cựu Ước, như trong Lê-vi ký ở chương 11 câu 7 và 8: “(7). Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. (8). Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế.”
Không những thế, một điều thật ngạc nhiên rằng có nhiều học giả của các tôn giáo đã khẳng định rằng thịt lợn cũng bị cấm trong Thiên Chúa giáo với những văn bản rõ ràng từ Kinh Tân Ước. Tuy nhiên, điều luật cấm thịt heo đã được bóp méo và thay đổi sau đó, xem: (Phúc Âm Mark 5 / 11-13, Matthew 67, Peter II Apostle 2/22, Luke 15/11).
Thịt heo bệnh nằm chết
Tóm lại, thịt heo đối với các tín đồ Islam là một loại thức ăn bẩn có nguy cơ gây bệnh bị giáo lý Islam nghiêm cấm chứ con heo không phải là một con vật linh thiêng. Các tín đồ Islam tin rằng Allah, Đấng Tạo Hóa Tối Cao và Toàn Năng nghiêm cấm người bề tôi một số thức ăn sau khi Ngài đã cho phép họ rất nhiều thức ăn khác là nhằm mục đích thử thách họ vì Ngài muốn kiểm tra đức tin và sự tuân lệnh của họ đối với Ngài. Điều này cũng giống như việc Ngài thử thách Adam tổ tiên của loài Người qua việc cấm Người đến gần một cái cây sau khi Ngài cho phép Người ăn thỏa thích những thứ tốt lành trong Thiên Đàng.